TP.HCM: Đề xuất chuyển đường Lê Lợi thành tuyến phố đi bộ

Sau khi dự án metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên thi công xong và hoàn thổ tuyến đường Lê Lợi, con đường sầm uất nhất trung tâm Sài Gòn này có thể sẽ được tổ chức giao thông tương tự đường đi bộ Nguyễn Huệ hiện nay…

Đường đi bộ Nguyễn Huệ thu hút rất nhiều du khách, người dân đến tham quan, vui chơi vào các dịp cuối tuần.

Đề xuất chuyển đường Lê Lợi thành tuyến đường phục vụ đi bộ nói trên, vừa được Ủy ban nhân dân Quận 1 báo cáo phương án lên Ủy ban nhân dân TP.HCM sau khi đã trao đổi, thống nhất với các sở, ngành liên quan.

Đường Lê Lợi là một trong vài tuyến đường sầm uất nhất của Thành phố, nằm ngay trung tâm quận 1, chiều dài khoảng 950 m, từ phía trước chợ Bến Thành đến trước Nhà hát Thành phố; đồng thời cũng là một trong 22 tuyến theo kế hoạch dự kiến sẽ được tổ chức phố đi bộ ở trung tâm thành phố trong khoảng ba năm tới.

Theo Ủy ban nhân dân Quận 1, khi tổ chức phố đi bộ, Sở Giao thông vận tải Thành phố đề xuất cấm xe tải, xe khách trên 16 chỗ, các phương tiện lưu thông hai bên đường (làn xe máy) trong khi khu vực tim đường (các làn ô tô ở giữa) chỉ phục vụ người đi bộ. Đường Lê Lợi có thể đóng lại để tổ chức phố đi bộ toàn phần trong các ngày cuối tuần.

Báo cáo của Ủy ban nhân dân Quận cho biết thêm, Sở Giao thông vận tải Thành phố kiến nghị giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc Thành phố chủ trì xem xét thiết kế tổng quan tuyến Lê Lợi và khu vòng xoay trước chợ Bến Thành.

Sở Du lịch Thành phố cho rằng, tuyến phố dự kiến làm phố đi bộ sẽ tạo sức hút du lịch, kết nối phố đi bộ Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành. Sở này cũng lưu ý nghiên cứu thiết kế và tổ chức không gian hấp dẫn để nơi đây trở thành điểm đến dành cho du khách.

Trong khi đó, Phòng Văn hóa – Thông tin Quận 1 nêu ý kiến, phố đi bộ phải hướng tới sự đa dạng đối tượng phục vụ, tìm nét đặc trưng của người Sài Gòn. Nhà đầu tư cũng cần xem xét phương án kết nối tổng thể với khu vực lân cận như vòng xoay chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành, công viên Mê Linh, công viên Bạch Đằng…

Ủy ban nhân dân Quận 1 kiến nghị kiến nghị Chính quyền TP.HCM sớm thông qua quy hoạch không gian đô thị tại khu vực đường Lê Lợi nhằm thu hút các nhà đầu tư dịch vụ thương mại, tạo sự đồng bộ giữa kinh doanh và trật tự xã hội.

Trước đó, hồi giữa tháng 7/2022, đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm thành phố, đã được Sở Giao thông vận tải hoàn tất và có tờ trình Ủy ban nhân dân TP.HCM phê duyệt. Các tuyến đi bộ áp dụng vào các ngày cuối tuần được xây dựng theo lộ trình ba giai đoạn từ nay đến năm 2025, gồm ba giai đoạn.

Theo đề án, khu vực trung tâm Sài Gòn – TP.HCM, cụ thể là quận 1 và quận 3, sẽ mở thêm 22 tuyến phố đi bộ từ nay đến năm 2025 nhằm góp phần làm giảm ùn tắc khu vực trung tâm, cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân, cũng như nâng cao tính hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ…

Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, việc nghiên cứu đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm thành phố là rất cần thiết nhằm nghiên cứu toàn diện về các tiêu chí, thiết kế, kế hoạch các giai đoạn thực hiện để có lộ trình triển khai các tuyến phố đi bộ tạo mỹ quan cho Thành phố.

Tính đến thời điểm hiện tại, TP.HCM đã có hai tuyến đường đi bộ. Đó là đường Nguyễn Huệ (chiều dài khoảng 600 m, từ trước trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố đến bến Bạch Đằng nơi bờ sông Sài Gòn), đưa vào hoạt động năm 2015; và đường Bùi Viện (quen được gọi là phố ẩm thực “Tây ba lô”), hoạt động từ năm 2017.

filefile_put_contents
(0243) 8687 557